Thực hiện theo kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm, ngày 09/8/2024, trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cùng các trường Tiểu học Trung Mầu, Phù Đổng, Dương Hà, Ninh Hiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm tham gia chương trình bồi dưỡng, tập huấn phương pháp dạy học Tiếng Việt lớp 4 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) theo định hướng phát triển năng lực học sinh . Giảng viên buổi tập huấn là TS.GVC.Vũ Thị Thương Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn
Những nội dung của buổi tập huấn
Tại buổi tập huấn, TS.GVC.Vũ Thị Thương đã chia sẻ những nội dung thiết thực và bổ ích cho giáo viên về nội dung và phương pháp dạy học môn Tiếng Việt lớp 4 theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Từ nội dung: Giới thiệu SGK Tiếng Việt 4, Nội dung dạy học Viết cho HS lớp 4, Biện pháp dạy học PTNL viết, Thực hành, … đều được cô giáo trình bày một cách tường minh, chi tiết, mang lại rất nhiều kiến thức hay, hữu ích cho giáo viên tham gia. Đây là những nội dung rất thiết thực, giúp giáo viên có cái nhìn tổng quan về nội dung và phương pháp dạy học môn Tiếng Việt để áp dụng trong quá trình giảng dạy học sinh theo hướng phát triển năng lực.
Các chủ điểm trong dạy học Tiếng Việt lớp 4
Cấu trúc sách giáo khoa Tiếng Việt 4 được chia thành 8 chủ điểm. Các chủ điểm ở tập một gắn với đời sống của học sinh, từ ý thức về đặc điểm, cá tính của bản thân trong sự phân biệt với bạn bè, cảm nhận vẻ đẹp riêng của mỗi người đến niềm vui trải nghiệm, khám phá, sáng tạo và ước mơ. Các chủ điểm ở tập hai giúp học sinh mở rộng trải nghiệm, học được những bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn, bồi đắp những cảm xúc với quê hương, đất nước, và đến với thế giới rộng mở. Tiếng Việt 4 có hệ thống ngữ liệu mới mẻ, trong sáng, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, phù hợp tâm lí tiếp nhận của học sinh lớp 4. Hầu hết ở các bài đọc, nhân vật trung tâm chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc là trẻ em. Cấu trúc sách đáp ứng các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học cốt lõi của Chương trình môn Tiếng Việt lớp 4.
Cấu trúc sách giáo khoa và cấu trúc bài học của môn Tiếng Việt 4
TS.GVC.Vũ Thị Thương đã giúp cho học viên thấy rõ: nội dung chương trình Tiếng Việt 4 không còn nội dung luyện viết chữ và viết chính tả riêng biệt mà được tích hợp vào hoạt động viết đoạn văn, văn bản. Các kiểu bài viết được thực hiện ở Tiếng Việt 4:
- Viết bài văn thuật lại một sự việc đã chứng kiến (nhìn, xem) hoặc tham gia và chia sẻ suy nghĩ, tình cảm về sự việc đó.
- Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe hoặc viết đoạn văn tưởng tượng dựa vào câu chuyện đã đọc, đã nghe.
- Viết bài văn miêu tả con vật, cây cối; sử dụng nhân hoá và những từ ngữ gợi đặc điểm nổi bật của đối tượng được tả.
- Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật trong văn học hoặc một người gần gũi, thân thiết.
- Viết đoạn văn nêu lí do yêu thích câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.
- Viết văn bản hướng dẫn các bước thực hiện một công việc hoặc làm, sử dụng một sản phẩm gồm 2 - 3 bước.
- Viết báo cáo thảo luận nhóm; đơn theo mẫu; thư cho người thân, bạn bè.
ĐIỂM MỚI CỦA NỘI DUNG DẠY HỌC VIẾT
- Tiếng Việt 4 tạo cơ hội cho HS thực hành nhiều nhưng không gây áp lực cho các em vì có hướng dẫn cụ thể và phân phối thời gian hợp lí.
- Sách chú trọng hơn đến việc rèn cho HS nắm vững quy trình viết, cũng chính là rèn cho HS phương pháp học, phương pháp làm việc, phương pháp tư duy.
- Với mỗi kiểu bài viết, HS được luyện tập theo các bước cơ bản: tìm hiểu kiểu bài viết; tìm ý, lập dàn ý; thực hành viết đoạn, viết văn bản và chỉnh sửa, hoàn thiện; trả bài.
Cũng trong buổi tập huấn, TS.GVC.Vũ Thị Thương đã hướng dẫn rất cụ thể nội dung Các kiểu, loại văn bản trong chương trình Tiếng Việt lớp 4 gồm:
- Văn thuật:
+ Theo Từ điển Tiếng Việt, tác giả Hoàng Phê đã nêu: “Thuật” là kể lại những gì đã nghe thấy, trông thấy một cách tỉ mỉ, tường tận theo như đúng trình tự xảy ra.” Văn thuật là loại văn kể lại một cách rõ ràng, rành mạch những sự việc, hiện tượng mới xảy ra mà người kể đã được chứng kiến hoặc tham dự.
+ Những sự việc, hiện tượng được thuật phải là những sự việc, hiện tượng có thật trong thực tế (chứ không phải do người viết tưởng tượng ra). Người viết phải trung thành, chính xác từng tình tiết các sự kiện xảy ra như nó vốn có. Văn thuật không chấp nhận sự thêm thắt các chi tiết mà bản thân sự việc cần thuật không có.
+ Các kiểu bài văn thuật: Thuật lại một sự việc đã chứng kiến (nhìn, xem) hoặc tham gia và chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của mình về sự việc đó; Viết được văn bản ngắn hướng dẫn các bước thực hiện một công việc hoặc làm, sử dụng một sản phẩm gồm 2 - 3 bước.
- Văn kể chuyện:
+ Văn kể chuyện là loại văn phản ánh hiện thực khách quan thông qua cốt truyện và nhân vật.
+ Văn kể chuyện luôn có cốt truyện và nhân vật. Cốt truyện là một chuỗi sự việc làm nòng cốt cho diễn biến của truyện. Cốt truyện thường có ba phần: mở đầu, diễn biến, kết thúc. Nhân vật trong truyện có thể là người, là con vật, đồ vật, cây cối,…được nhân hóa. Hành động, lời nói, suy nghĩ,…của nhân vật nói lên tính cách của nhân vật ấy. Mỗi câu chuyện đều mang một ý nghĩa xã hội nhất định.
+ Các kiểu bài văn kể chuyện: Kể lại một câu chuyện đã nghe, đã đọc; Viết đoạn văn tưởng tượng dựa vào câu chuyện đã nghe, đã đọc.
- Văn miêu tả:
+ Trong “Hán - Việt từ điển”, tác giả Đào Duy Anh đã nêu: “Miêu tả” là “lấy nét vẽ hoặc câu văn để biểu thị cái chân tướng của sự vật ra”. Văn miêu tả vẽ ra các sự vật, sự việc, hiện tượng, con người bằng ngôn ngữ một cách sinh động, cụ thể.
+ Bài văn miêu tả phải chân thực, đúng thực tế, đúng bản chất đối tượng. Miêu tả phải tuân theo một trình tự hợp lí, diễn ra liền mạch suy nghĩ cảm xúc của người viết. Bài văn miêu tả phải có trọng tâm, chọn được những nét tiêu biểu của đối tượng cần tả. Người viết cần bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình một cách chân thành, diễn đạt bài viết bằng lời văn sinh động, gợi tả, gợi cảm.
+ Các kiểu bài văn miêu tả: Tả con vật; Tả cây cối.
- Văn biểu cảm:
+ Văn biểu cảm là loại văn biểu đạt cảm xúc, tình cảm, sự đánh giá của người viết đối với các sự vật, sự việc, hiện tượng xung quanh.
+ Văn biểu cảm có đặc điểm luôn nhất quán một cảm xúc, tình cảm với sự vật, sự việc, con người được đề cập tới trong bài. Những tình cảm, cảm xúc đưa vào trong bài văn biểu cảm phải là một tình cảm đẹp. Những tình cảm đó phải trong sáng, rõ ràng, chân thực thì bài văn biểu cảm mới có giá trị. Khi viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc cần nêu được tình cảm, cảm xúc đó là gì và được biểu lộ như thế nào.
+ Các kiểu viết đoạn văn biểu cảm: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật trong văn học hoặc một người gần gũi, thân thiết.
- Văn bản nhật dụng:
+ Văn bản nhật dụng là những văn bản được sử dụng hàng ngày trong đời sống sinh hoạt, mang phong cách hành chính công vụ.
+ Văn bản nhật dụng có những đặc điểm chung: Tính không bình đẳng trong quan hệ của những người tham gia giao tiếp; Tính khuôn mẫu đồng loạt trong cách trình bày; Tính khách quan của ngôn ngữ.
+ Các kiểu văn bản nhật dụng: Báo cáo, đơn, văn viết thư, giấy mời.
Từ đó, cô giáo đã đưa ra các biện pháp dạy học phát triển năng lực viết cho học sinh:
+ Tạo động lực viết
+ Kết nối dạy viết với hoạt động học
+ Tổ chức dạy học viết theo tiến trình
Một số biện pháp dạy học phát triển năng lực viết
* Phương pháp tao động lực viết:
- Thiết kế môi trường học tập khuyến khích hoạt động viết
- Làm cho nội dung viết nằm trong vùng hiểu biết của HS
- Thiết kế đề bài phát huy tính sáng tạo của HS
- Tổ chức trò chơi giúp HS có niềm vui thích học viết văn
* Phương pháp kết nối dạy viết với hoạt động đọc:
- Kết nối với bài Đọc trong SGK
- Kết nối với hoạt động Đọc mở rộng
* Phương pháp tổ chức dạy học viết theo tiến trình:
Tiếng Việt 4 đặc biệt chú trọng phát triển kĩ năng viết cho HS và thiết kế các hoạt động viết theo một quy trình khoa học, gồm các bước cơ bản:
- BƯỚC 1: Tìm hiểu kiểu bài, nhận biết cấu trúc và cách viết
- BƯỚC 2: Tìm ý và lập dàn ý
- BƯỚC 3: Thực hành viết đoạn văn, văn bản
- BƯỚC 4: Chỉnh sửa, hoàn thiện
- BƯỚC 5: Đánh giá (trả bài)
Đối với một số kiểu bài đặc thù như kiểu bài miêu tả con vật hoặc miêu tả cây cối thì có thêm bước quan sát.
Trong phần thực hành, mỗi nhóm đã chọn 1 đề bài tương ứng với một kiểu, loại văn trong SGK Tiếng Việt lớp 4 để áp dụng các biện pháp phát triển năng lực học sinh.
Cũng trong phần thảo luận, chia sẻ, thầy cô cán bộ quản lý, giáo viên đã thẳng thắn trao đổi về những điều học được sau tiết dạy, những điều có thể cải thiện để đạt hiệu quả cao hơn. Cũng trong phần thảo luận, thầy cô cũng đã mạnh dạn chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm thực tế trong việc dạy học môn Tiếng Việt lớp 4.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Cô giáo Lê Thị Kim Hằng – Phó hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự cảm kích khi TS.GVC.Vũ Thị Thương đã sắp xếp thời gian quý báu của mình tới tập huấn cho giáo viên trong huyện Gia Lâm và cũng đề đạt mong muốn được TS.GVC chia sẻ và giải đáp một số thắc mắc cho GV trong quá trình thực hiện dạy môn Tiếng Việt.
Cô giáo Lê Thị Kim Hằng – Phó hiệu trưởng nhà trường
bày tỏ sự cảm kích với TS.GVC.Vũ Thị Thương
Chương trình tập huấn đã trang bị kiến thức, kỹ năng, phương dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; kỹ năng quản lý việc thực hiện chương trình, quản lý chuyên môn, quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường.